VĂN HÓA-XÃ HỘI
Chăm sóc thay thế trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
08/11/2021 12:00:00

          Hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp đã trả em bị rơi vào đã có trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt bị tách rời khỏi cha, mẹ, người chăm sóc do cha, mẹ tử vong do Covid-19; cha, mẹ, người thân của trẻ em bị nhiễm Covid -19 phải đi điều trị hoặc đi cách ly tập trung; trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống Covid -19 không có cha, mẹ chăm sóc.

          Thực hiện Công văn số 516/TE-CSTE ngày 13/10/2021 của Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Công văn số 3874/SLĐTBXH-TE&BĐG về việc hướng dẫn thực hiện chăm sóc thay thế trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, Ủy ban nhân dân xã Ngọc Kỳ đăng tải toàn bộ tài liệu hướng dẫn theo Công văn số 516/TE-CSTE để các cơ quan, ban, ngành có liên quan nắm được và triển kịp thời các biện pháp cho trẻ em cần hỗ trợ chăm sóc thay thế do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để các em có cuộc sống gia đình thay thế đảm bảo quyền trẻ em.


HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC THAY THẾ CHO TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19.

(Ban hành kèm theo Công văn số516/TE-CSTE  ngày 13/10/2021 của Cục Trẻ em)

I.    NGUYÊN TẮC.

1. Bảo đảm trẻ em không bị tách rời cha mẹ, người thân hoặc được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

2. Phải dựa trên nhu cầu, hoàn cảnh, giới tính, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ của trẻ em và bảo đảm quyền của trẻ em.

3. Bảo đảm an toàn cho trẻ em, bảo đảm ổn định, liên tục và gắn kết giữa trẻ em với người chăm sóc trẻ em.

4. Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em.

5. Ưu tiên trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân thích. Trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau.

6. Bảo đảm duy trì liên hệ, đoàn tụ giữa trẻ em với cha, mẹ, các thành viên khác trong gia đình khi đủ điều kiện, trừ trường hợp việc liên hệ, đoàn tụ không bảo đảm an toàn, không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

          II. ĐỐI TƯỢNG TRẺ EM CẦN HỖ TRỢ CHĂM SÓC THAY THẾ TRONG DỊCH COVID-19. 

1. Trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19

2. Trẻ em bị bỏ rơi trong dịch COVID-19

3. Trẻ em bị nhiễm COVID-19 (F0), Trẻ em tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 (F1) phải thực hiện cách ly không có cha, mẹ chăm sóc.

4. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19 người còn lại không có khả năng chăm sóc được trẻ.

5. Trẻ em không có người chăm sóc do cha mẹ đi điều trị, cách ly y tế hoặc mồ côi cha hoặc mẹ người còn lại đi điều trị do nhiễm COVID-19, cách ly y tế.

          III. CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HỖ TRỢ CHĂM SÓC THAY THẾ TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT VÀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ.  

           1. Các văn bản quy định của pháp luật hỗ trợ chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

          - Luật trẻ em 2016. Luật số102/2016/QH13, ngày 05/ 4/2016.

          - Luật nuôi con nuôi Luật số 52/2010/QH12, ngày 17/6/ 2010.

           - Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/ 5/ 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em (Viết tắt là Nghị định số 56/2017/NĐ-CP).

           - Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Viết tắt là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP).

           - Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH Ngày 28/11/2020, của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các quy định về chăm sóc thay thế cho trẻ em (viết tắt là Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH).

           2. Các chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

           - Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/ 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết số 68).

           - Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/ 7/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gọi tắt là Quyết định số 23) trong đó có quy định: Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế về hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em F0, F1 với 80.000đ/người/ngày và hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 1.000.000đ/trẻ em.

          - Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH ngày 8 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cụ thể: trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021 được hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ; trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 cũng được hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/trẻ. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

          IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI HỖ TRỢ TRẺ EM

1.     Thu thập thông tin tình trạng và các nhu cầu của trẻ em.

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập các thông tin và lập danh sách trẻ em có nhu cầu cần hỗ trợ chăm sóc thay thế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phối hợp với các ngành, các bên liên quan thu thập các thông tin về tình hình của trẻ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 về trẻ em; tình trạng hiện tại của trẻ (Trẻ đang sống cùng ai, ở đâu, tình trạng sức khỏe thể chất, tâm thần, điều kiện chăm sóc hiện tại của trẻ); tình trạng gia đình, người thân thích của trẻ em (nếu có).

2. Đánh giá tình trạng và xác định nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em.

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, có trách nhiệm sau:

- Đánh giá tình trạng của trẻ em về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, tình hình học tập, điều kiện chăm sóc hiện tại, các nguy cơ có thể gây tổn hại cho trẻ em, nguyên nhân hoặc đối tượng gây tổn hại cho trẻ em, tình trạng gia đình, người thân thích (nếu có);

-  Xác định các dịch vụ, chính sách cần hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em theo các dịch vụ sau:

+ Chăm sóc sức khỏe: Khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc dinh dưỡng, chính sách bảo hiểm y tế;

+ Hỗ trợ giáo dục: Hỗ trợ trẻ em được đi học; hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo đồng phục, học phí; chi phí học nghề phù hợp với lứa tuổi theo quy định;

+ Hỗ trợ tâm lý: Tư vấn tại chỗ hoặc chuyển trẻ em đến tư vấn, trị liệu tại các cơ sở dịch vụ chuyên sâu về trị liệu tâm lý;

+ Phúc lợi xã hội: Hỗ trợ trẻ em được chăm sóc thay thế phù hợp bảo đảm thứ tự ưu tiên lựa chọn hình thức chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; hỗ trợ chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em và cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế theo quy định;

+ Bảo vệ trẻ em: Thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bạo lực; cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em và triển khai các thủ tục hỗ trợ, can thiệp;

+ Trợ giúp pháp lý: Thực hiện các thủ tục xác định trẻ em trong trường hợp bị bỏ rơi theo quy định của pháp luật; hỗ trợ khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi; cung cấp dịch vụ pháp lý cho trẻ em.

- Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ của trẻ em theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 38 Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

3.  Xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em cần chăm sóc thay thế trong dịch COVID-19:

Căn cứ kết quả đánh giá tình trạng của trẻ em việc xác định nhu cầu hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em trình Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

Kế hoạch hỗ trợ, can thiệp phải bảo đảm các mục tiêu :

+ Hỗ trợ trẻ em được nhận chăm sóc nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp với trẻ em bảo đảm các yêu cầu, quy định của pháp luật;

+ Hỗ trợ các dịch vụ theo các nhu cầu của trẻ em.

4. Hỗ trợ chăm sóc thay thế đối với từng trường hợp

4.1. Hỗ trợ trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ không nơi nương tựa do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đối với trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ không nơi nương tựa do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chính quyền địa phương cần triển khai chăm sóc thay thế cho trẻ theo quy định tại Luật trẻ em, Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH cụ thể như sau:

a) Tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cho trẻ

- Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và phối hợp với các ngành tại địa phương triển khai tìm cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế trẻ em theo quy định của pháp luật. Ưu tiên cho trẻ em sống cùng người thân thích.

- Trường hợp trẻ em không có người thân thích nhận chăm sóc cần tìm cá nhân, gia đình không phải là người thân thích nhận chăm sóc thay thế trẻ em. nhân, gia đình không phải người thân thích cần bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Trẻ em và đánh giá phù hợp với trẻ em.

- Trong quá trình tìm cá nhân, gia đình không phải là người thân thích nhận chăm sóc Ủy ban nhân dân cấp xã cần bố trí cá nhân, gia đình, cơ sở chăm sóc tạm thời cho trẻ em.Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định chăm sóc thay thế trẻ em và tổ chức bàn giao trẻ em cho cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

- Trường hợp trẻ em có anh chị em ruột cần bố trí trẻ em và anh chị em ruột được sống cùng nhau.

b) Tìm gia đình nhận nuôi con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

c) Chuyển trẻ em đến chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội.

- Trường hợp không tìm được cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế và nhận nuôi con nuôi mới đưa trẻ vào cơ cở trợ giúp xã hội theo quy định của - Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

- Trong quá trình trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội định kỳ lập danh sách trẻ em có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt danh sách trẻ có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế để tìm cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em.  

- Đối với trẻ em còn người thân họ hàng cần tạo điều kiện cho trẻ được gặp người thân họ hàng.

d) Hỗ trợ các chính sách theo quy định của pháp luật và các nhu cầu của trẻ em:

- Phối hợp với các ngành hỗ trợ các dịch vụ cho trẻ em theo các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe thế chất, tinh thần và các nhu cầu khác. Cụ thể: hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

- Đảm bảo hỗ trợ trẻ em các chính sách của nhà nước theo quy định: Hỗ trợ đối với trẻ em đang điều trị COVID-19, cách ly y tế về hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em F0, F1 với 80.000đ/người/ngày và hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 1.000.000đ/trẻ em (Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg); Hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH ngày 8/9/202, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các chính sách khác tại địa phương.

4.2. Hỗ trợ chăm sóc thay thế khi trẻ em là trẻ F0, F1

4.2.1. Trong trường hợp trẻ em được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều trị tại nhà, cách ly y tế tại nhà, cán bộ cơ sở cần triển khai các nội dung sau

a) Trường hợp trẻ em không có cha, mẹ hoặc các thành viên gia đình có thể chăm sóc tại nhà: 

Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo người làm làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã phối hợp cán bộ y tế và cha, mẹ hoặc các thành viên gia đình của trẻ để chọn người thân thích trong gia đình trẻ em tình nguyện đến nhà chăm sóc cho trẻ em và cùng cách ly với trẻ em. Hoặc bố trí đưa trẻ em đến nơi ở của người thân thích của gia đình trẻ em để trẻ em được chăm sóc với điều kiện đảm bảo về cách ly phòng chống dịch .Khi không có người thân thích trong gia đình chăm sóc trẻ em, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và phối hợp với cán bộ y tế chịu trách nhiệm quản lý theo dõi trẻ em tìm cá nhân, gia đình tự nguyện chăm sóc thay thế tạm thời cho trẻ em.- Cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế cần bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 điều 63 Luật Trẻ em.Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định chăm sóc thay thế tạm thời cho trẻ em.

b) Chuyển trẻ chăm sóc tại cơ sở điều trị, cở sở thu dung, cách ly tập trung hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được chính quyền địa phương lựa chọn. Chỉ khi không có giải pháp thay thế nào khác, mới đưa trẻ em vào chăm sóc tạm thời tại cơ sở điều trị, cở sở thu dung, cách ly tập trung hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được chính quyền địa phương lựa chọn.

Chính quyền địa phương chỉ định cán bộ trong cơ sở điều trị, cở sở thu dung, cách ly tập trung hoặc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được chính quyền địa phương lựa chọn chịu trách nhiệm chăm sóc hỗ trợ trẻ em trong thời gian trẻ điều trị, cách ly tập trung. Cán bộ được chỉ định phải có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc hỗ trợ trẻ em và đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em.

- Cần đảm bảo trẻ được duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân để giảm tối đa sự khủng khoảng, căng thẳng, lo âu của trẻ em.

- Cần thu xếp để trẻ em được đoàn tụ với gia đình trong thời gian sớm nhất có thể.

c) Hỗ trợ các chính sách theo quy định của pháp luật và các nhu cầu của trẻ em:

- Phối hợp với các ngành hỗ trợ các dịch vụ cho trẻ em theo các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe thế chất, tinh thần và các nhu cầu khác, cụ thể: hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

- Đảm bảo hỗ trợ trẻ em các chính sách của nhà nước theo quy định: Hỗ trợ đối với trẻ em đang điều trị COVID-19, cách ly y tế về hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em F0, F1 với 80.000 đ/người/ngày và hỗ trợ thêm cho trẻ em F0, F1 1.000.000đ/trẻ em (Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg); Hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; Hỗ trợ theo quy định của Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH ngày 8/9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các chính sách khác tại địa phương.

4.1.2. Trong trường hợp trẻ em được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều trị tại tại cơ sở y tế, cách ly y tế tập trung cán bộ cơ sở cần triển khai các nội dung sau

a) Trường hợp trẻ em có cha, mẹ, các thành viên gia đình hoặc người chăm sóc đi điều trị, cách ly cùng cần ưu tiên bố trí cho trẻ được ở cùng với cha, mẹ hoặc thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ.

b) Nếu trẻ em phải điều trị, cách ly y tế tập trung một mình thì hướng dẫn cho cha, mẹ, người thân thích, người chăm sóc trẻ tự nguyện đăng ký với cơ quan y tế để được chăm sóc trẻ tại cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung và cam kết tự nguyện cách ly cùng trẻ, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 theo quy định tại công văn số 7020/BYT-MT ngày 25/8/2021 về việc cách ly phòng chống dịch COVID-19 đối với trẻ em. Trẻ nên được cách ly tại cơ sở có địa điểm gần nhà nhất.

c) Trường hợp trẻ em không có cha, mẹ, người thân thiết đi cùng do cha, mẹ người thân phải đi điều trị, do mất vì COVID-19 hoặc lý do khác, chính quyền địa phương bố trí người chăm sóc cho trẻ hoặc chỉ định cán bộ trong cơ sở y tế, cơ sở cách tập trung chịu trách nhiệm chăm sóc hỗ trợ trẻ em trong thời gian trẻ điều trị, cách ly tập trung. Cán bộ được chỉ định phải có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc hỗ trợ trẻ em và đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em.

4.3. Trẻ có cha mẹ đi điều trị, cách ly y tế hoặc mồ côi cha hoặc mẹ người còn lại không chăm sóc được do nhiễm COVID-19, cách ly y tế.

Đối với trẻ em không có người chăm sóc do có cha mẹ đi điều trị, cách ly y tế, mồ côi cha hoặc mẹ người còn lại không chăm sóc được do nhiễm COVID-19, cách ly y tế trẻ em phải ở nhà một mình, chính quyền địa phương cần triển khai các biện pháp sau:

a) Tìm cá nhân, gia đình chăm sóc tạm thời cho trẻ :

 - Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo người làm công tác trẻ em cấp xã phối hợp với các ngành liên quan cần tìm người thân thích, họ hàng để vận động các cá nhân gia đình chăm sóc cho trẻ em.

- Trường hợp không tìm được người thân thích, họ hàng chăm sóc trẻ em cần tìm cá nhân, gia đình tự nguyện nhận chăm sóc thay thế tạm thời cho trẻ. Các cá nhân, gia đình nhận chăm sóc tạm thời phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em.

- Trường hợp trẻ em có anh chị em ruột cần bố trí trẻ em và anh chị em ruột được sống cùng nhau. Phối hợp với các ngành hỗ trợ các dịch vụ cho trẻ em theo các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe thế chất, tinh thần và các nhu cầu khác. Cụ thể: hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ trẻ em, trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

- Bảo đảm thực hiện hỗ trợ chính sách của nhà nước đối trẻ em và cá nhân gia đình nhận chăm sóc thay thế tạm thời cho trẻ.

- Cần đảm bảo trẻ được duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân để giảm tối đa sự khủng khoảng, căng thẳng, lo âu của trẻ em.

- Cần thu xếp để trẻ được đoàn tụ với gia đình trong thời gian sớm nhất có thể khi cha mẹ trẻ khỏi bệnh, hết cách ly y tế.      

b) Chuyển trẻ đến cơ sở trợ giúp xã hội :

- Trẻ em được chuyển đến chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc tạm thời khi không có người thân thích, họ hàng, người tự nguyện nhận chăm sóc tạm thời.

-  Hỗ trợ các dịch vụ cho trẻ em theo các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe thế chất, tinh thần và các nhu cầu khác. Bảo đảm thực hiện hỗ trợ chính sách của nhà nước phù hợp đối trẻ em.

- Cần đảm bảo trẻ được duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân để giảm tối đa sự khủng khoảng, căng thẳng, lo âu của trẻ em.

- Cần thu xếp để trẻ được đoàn tụ với gia đình trong thời gian sớm nhất có thể khi cha mẹ trẻ khỏi bệnh, hết cách ly y tế./.

 

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NGỌC KỲ - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập:Nguyễn Xuân Thoảng

Địa chỉ: thôn Đại Đình - xã Ngọc Kỳ - huyện Tứ Kỳ - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0968455113

Email: thoangngocky@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 6
Tháng này: 7,037
Tất cả: 44,038